BỘ MÔN SUZUCHO KARATEDO BÌNH ĐỊNH
14.06.2013 05:00
|
Võ sư Hồ Văn Trọng Huyền đai Đệ Lục Đẳng Trưởng Bộ môn Suzucho Karatedo Bình Định |
Trước tháng 5- 1975, tại Bình Định, tên gọi Karatedo còn là một danh xưng rất xa lạ đối với người dân nơi đây. Đến đầu năm 1976, với tâm huyết và sự nhiệt tình, Thầy Hồ Văn Trọng trong khả năng nhất định của mình, người có công đầu tiên đã ươm mầm và từng bước phát triển Karatedo trong muôn vàn khó khăn vây quanh. Từ đây, một phòng tập khiêm nhường ban đầu với trên 30 học sinh được hình thành tại số 25 Đường Bùi Thị Xuân, Thành phố Quy Nhơn được chính Thầy trực tiếp huấn luyện.
Thời gian trôi, những chồi non ngày nào được tưới đẫm bằng sự đam mê luyện tập nay đã vươn cành cứng cáp giúp ích cho đời. Và từ đó, những năm kế tiếp, liên tục, đã có thêm nhiều điểm tập rộng hơn và phong trào rèn luyện sức khỏe, nhân cách đã được rất nhiều thành phần trong xã hội tham gia tập luyện.
Bình Định là cái nôi của võ cổ truyền, với nhiều võ phái khác nhau cùng hoạt động, thế nhưng Karate cũng đã từng bước hội nhập, đứng vững và đóng góp chung cho phong trào võ đa hương sắc của Bình Định. Từ đây người dân Bình Định cũng đã dành cho Karate một chỗ đứng ưu ái trong lòng họ, đó cũng là điều khích lệ để Karate ngày một phát triển tốt hơn.
Vì điều kiện khó khăn, với nguồn tự lực là chính, do vậy Karate Bình Định chưa đặt nặng việc tham gia trên đấu trường thể thao Quốc gia nên thành tích thể thao còn khiêm nhường là điều ước mơ.
Tuy nhiên với mảng phong trào thì Karate Bình Định cũng đã có sự thành công nhất định. Từ lúc khai sinh đến giờ, với hơn 36 ngàn lượt võ sinh tham gia luyện tập, đó là con số mà không phải lớp võ phong trào nào cũng đạt được, hiện nay Karate cũng đã hiện diện trong nhiều mặt của xã hội, từ trường Tiểu học đến Đại học, từ Phường Xã, ban ngành, đến cả những Huyện xa, nơi đâu cũng có môn sinh Karate hăng say tập luyện.
Những thế hệ lần lượt tiếp nối qua đi, tuy còn chưa đạt đến đỉnh cao của võ thuật nhưng ít nhiều trong tư duy cũng đã đâm chồi phát triển chữ “Đạo” của Karatedo, đó là cốt lõi giúp môn sinh thành danh trong nhiều lĩnh vực, trong cuộc sống, giúp ích cho xã hội, và đó cũng chính là những “huy chương vàng” mà Karate Bình Định đã mang về cho xã hội.
Chính chữ “Đạo” mới làm nên nhân cách của Karate- Ka, ở đó mọi người sẽ gần nhau hơn, và khi “tâm tĩnh lặng như mặt nước hồ thu” (theo triết lý nhân sinh của Karate) lúc ấy, mỗi người sẽ tự soi rọi chính mình, từ đó, sẽ sống tốt hơn, cao thượng hơn và không còn tranh lợi thắng thua.
Về ước mơ, Suzucho Karatedo sẽ như dòng sông lớn trong trăm ngàn dòng sông khác cùng đổ về đại dương Karatedo mênh mông, nơi mà mọi người sẽ sống với nhau bằng chữ “Đạo” đích thực.
Buổi tập của Bộ môn Suzucho Karate Do Bình Định
(Theo Hệ Phái Suzucho Karatedo) |