BÀI VIẾT VỀ THẦY CÔ KÍNH YÊU!
28.06.2013 04:57
|
Tổ sư Choji Suzuki (1919-1995) |
Tổ sư Choji Suzuki sinh ngày 10 tháng 6 năm 1919 tại Thành phố Tagazoshi, Tỉnh Miyagiken miền Bắc Nhật Bản. Tổ sư là người con cả trong một gia đình có 4 anh em: Choji Suzuki , Minoru Suzuki, Masako Suzuki và Isao Suzuki. Từ năm 8 tuổi, Tổ sư đã bắt đầu tập luyện Judo, đến năm 13 tuổi Tổ sư bắt đầu tập luyện Karate và Jujitsu. Vị đại sư trụ trì ngôi chùa Shiogama Shinza ( Ngôi chùa cạnh thành phố TagazoShi ) là ngài Kisa Buroo đích thân truyền dạy Karate thuộc Takeno Uchi Ryu cho 3 đệ tử (Trong đó có Tổ sư Choji Suzuki).
Năm 20 tuổi, Tổ sư phải gia nhập quân đội Thiên Hoàng, đi từ Mãn Châu sang Mã Lai, cuối cùng đến Việt Nam năm 1940. Kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, Tổ sư không trở về Nhật Bản mà ở lại Việt Nam tình nguyện tham gia mặt trận Việt Minh tại Liên khu IV, từ đó Tổ sư mang tên Việt là Phan Văn Phúc, sau vào Liên khu V (Quảng Ngãi) Tổ sư phụ trách xưởng sản xuất dụng cụ y tế tại vùng Chợ Chùa để cung cấp cho mặt trận, ngoài ra Tổ sư còn dạy các bài võ cận chiến cho du kích Ba Tơ.
Năm 1952 Tổ sư lập gia đình với Cô Nguyễn Thị Minh Lệ (Còn gọi là Cô Năm), người nữ cứu thương của Liên khu V. Cô sinh ngày 15/01/1922, người gốc Tam Quan, Bình Định.
Cô Y tá Nguyễn Thị Minh Lệ
Cô Nguyễn Thị Minh Lệ và các bạn đồng nghiệp trong Lễ tốt nghiệp Khoa Y tá
Sư mẫu Reiko Suzuki
Năm 1954, Tổ sư và Sư mẫu về ở Đà Nẵng, một thời gian sau gia đình Tổ sư đã định cư ở thành phố Huế và nơi đây Tổ sư mở lớp truyền thụ võ thuật Karatedo và Judo tại ngôi nhà gia đình Tổ sư tọa lạc số 08 đường Võ Tánh, Huế (Nay là đường Nguyễn Chí Thanh, Huế). Thời gian này chính quyền chưa cấp phép dạy võ, nhưng Tổ sư cũng đã đào tạo, truyền thụ võ học cho vài học trò tâm huyết, trong đó có anh Trần Văn Tốt và anh Khá.
Sau ngày 01/11/1963 Nha Thanh niên Trung nguyên trung phần đã cấp giấy phép chính thức mở Võ đường Hệ phái Suzucho Karate Do (Linh trường Không thủ đạo phái) tại ngôi nhà Tổ sư, nơi khởi nguồn cho sự hình thành và phát triển của Hệ phái Suzucho Karate Do sau này.
Tổ sư có 3 người con:
- Michiko Suzuki (Phan Thị Ngọc Mỹ).
- Tokuo Suzuki (Phan Văn Minh Đức).
- Eiji Suzuki (Phan Văn Minh Ý).
Với tôi, từ khi theo học Thầy Tổ sư đến nay đã hơn 48 năm trong cuộc đời, ngày ngày trên con đường võ thuật Karate với những kỷ niệm buồn vui, tôi luôn nghĩ về người Thầy đáng kính của tôi. Đến hôm nay, những gì tôi và gia đình có được trong đời sống và xã hội là nhờ từ sự chỉ dạy của Thầy về rèn luyện chuyên môn và đặc biệt là cách sống, đạo nghĩa của người võ sĩ đạo, trong đó có 3 yếu tố căn bản, mà tôi thường tâm nguyện thực hiện và nêu gương cho con tôi, cũng như những học trò của tôi để tu dưỡng, rèn luyện trong sinh hoạt võ thuật Karatedo cũng như trong cuộc sống. Đó là:
1. Nhân ái và tôn trọng.
2. Khiêm tốn.
3. Niềm tin và bản lĩnh.
Nhớ và kể về Tổ sư, tôi vẫn không quên hình ảnh một người phụ nữ phía sau Tổ sư mà tôi vẫn luôn tôn kính, đó là Sư mẫu Reiko Suzuki. Sư mẫu là người luôn sát cánh Tổ sư trên con đường xây dựng và phát triển Hệ phái Suzucho Karatedo, là người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha. Do đó, Sư mẫu đã cảm hóa được những người mà trước kia họ không tốt đối với mình, nhưng rồi qua thời gian khi hiểu rõ về Bà, họ đều tâm phục và kính trọng Bà.
Nhớ về Tổ sư và Sư mẫu, có một câu chuyện mà mỗi lần kể lại cho các sư đệ hay học trò tôi nghe thì tôi lại rưng rưng nước mắt: Năm 1973, tôi vào học tại Thủ Đức- Sài Gòn, lúc đó tôi đã là Trưởng tràng Hệ phái. Cũng trong thời gian đó, Tổ sư đang làm việc tại số 02 đường Nguyễn Công Trứ, Sài Gòn.
Hôm ấy, vì xa nhà nên kẹt tiền tiêu, tôi lên Sài Gòn tìm đến Tổ sư, sau khi thăm hỏi tôi mạnh dạn xin Tổ sư tiền để tiêu, Tổ sư hỏi tôi: “Con làm gì mà hết tiền?”. Tôi chỉ im lặng không nói gì và chào Tổ sư ra về. Vài hôm sau, tôi đến nhà thăm Sư mẫu (Ở đường Phan Đăng Lưu, Quận Phú Nhuận). Lúc chào Sư mẫu ra về, Sư mẫu gọi tôi lại, đưa cho tôi một số tiền và nói: “Con ơi, cách đây hai hôm Thầy về, Thầy bảo Cô gửi về Thủ Đức cho Con một số tiền để con tiêu vì nghe Con nói hết tiền, nhưng Thầy không cho Con ngay lúc Con xin. Con hiểu ý Thầy chứ!”. Nghe Cô nói, nước mắt tôi cứ ứa tràn, dâng trào bao cảm xúc trước tình thương yêu của Tổ sư và Sư mẫu đối với tôi. Năm 1978 Tổ sư và gia đình trở về Nhật Bản, sống tại quê nhà. Dù ở nơi rất xa, nhưng Tổ sư trên cương vị Chưởng môn vẫn luôn dõi theo và chỉ đạo từng bước phát triển của Hệ phái Suzucho Karate Do tại Việt Nam. Nhờ vậy, mà Hệ phái Suzucho Karate Do ngày càng phát triển vững mạnh đến hôm nay.
Đại gia đình của Tổ sư ở Nhật Bản
Ngày 06/02/1995 Tổ sư đã vĩnh viễn ra đi, đó là sự mất mát rất lớn đối với đại gia đình Tổ sư nói riêng và Hệ phái Suzucho Karate Do nói chung. Trong những năm tháng cuối cuộc đời, Tổ sư luôn mong ước có một lần trở về thăm lại Việt Nam, đặc biệt là xứ Huế thân yêu và mong muốn các Cao đồ, môn đồ, môn sinh cố gắng thực hiện tốt việc:
- Huynh đệ phải thương yêu, giúp đỡ nhau, đoàn kết một lòng cùng nhau giữ gìn, phát huy truyền thống, tổ chức của Hệ phái cùng với việc phát triển Hệ phái ngày càng lớn mạnh trong hội nhập Karate thế giới.
- Xây dựng một Tổ đường của Hệ phái tại Huế, để sau khi Tổ sư mất sẽ đưa một kỷ vật về thờ tại Tổ đường, vì Huế đã trở thành quê hương thứ hai trong cuộc đời Tổ sư.
- Sau khi Tổ sư Chưởng môn qua đời, theo truyền thống và tổ chức của Hệ phái, chấp chưởng Chưởng môn Suzucho Karate Do Ryu đời thứ hai là Võ sư Tokuo Suzuki người con trai trưởng của Tổ sư .
Sư mẫu, Chưởng môn đời thứ II, Chánh văn phòng Chưởng môn và gia đình
Đến nay trong các nhiệm kỳ Trưởng tràng hệ phái, được sự yêu thương và tin tưởng của Tổ sư cũng như gia đình Tổ sư và huynh đệ đồng môn, tôi đã đảm nhiệm Trưởng tràng hệ phái 4 nhiệm kỳ:
Lần 1: từ 1973- 1986.
Lần 2: từ 1987- 1989.
Lần 3: từ 2007- 2012.
Lần 4: từ 2012- 2017.
Trên cương vị, trọng trách đó, tôi luôn tâm niệm với mình là phải cố gắng hết sức, để truyền đạt những gì mà mình đã nhận được từ sự truyền thụ, chỉ dạy của Tổ sư đến với môn sinh, môn đồ. Luôn động viên các thành viên trong Hệ phái hãy phấn đấu cùng nhau tiếp nối con đường mà Tổ sư đã đi và dẫn dắt chúng ta đi, nhằm góp phần xây dựng, phát triển Hệ phái ngày càng vững mạnh hơn, cũng như đóng góp thành tích cho thể dục thể thao ở cơ sở, địa phương, Tỉnh, Thành, Ngành và Quốc gia.
Thời gian dần trôi qua, mọi thứ có thể phai nhòa theo năm tháng. Nhưng hình ảnh người Thầy và Sư mẫu đáng kính sẽ mãi mãi theo chúng ta đến suốt cuộc đời.
Sư mẫu và Gia đình trong ngày Giỗ Sư tổ Choji Suzuki
(Theo Võ sư Lê Văn Thạnh Huyền đai Đệ Cửu Đẳng Tr) |