Chuyện kể về các sư huynh - Phần I
22.08.2013 04:08
|
Su huynh Nguyễn Nhuận |
Sư Huynh Nguyễn Nhuận Anh Nguyễn Nhuận, người nhỏ con, tóc cắt ngắn, thường đi chiếc xe Vespa 50 cc - tính tình điềm đạm, cư xữ với mọi người trong võ đường rất đúng võ phép, thầy ra thầy, Huynh ra huynh và đệ ra đệ, có trí nhớ rất tốt, ngày bắt đầu nhập môn Karatedo lúc bấy giờ anh Nhuận đã là giãng viên Viện Đại học Huế, cùng thời với anh Ngô Đồng , anh Thơ, anh Tùng (anh ruột của anh Tây, con bác Dưỡng ).....
Trong thời gian mang đai Xanh và Nâu, thường thì nhóm anh Nhuận, anh Đồng, anh Trần ĐìnhTùng, anh Bảo Trai, anh Khương Công Thêm, anh Vĩnh Tung, anh Tây... khi nào tập Kumite, Thầy thường cho các anh thích đấu thì được đấu, riêng anh Nhuận thì chuyên về kỷ thuật và Kihon Kumite nên ít khi Thầy cho anh Nhuận đấu tự do (jiyu Kumite) - Thế nhưng có một hôm anh Nhuận rủ anh Bảo Trai đấu Jiyu Kumite, anh Bảo Trai lúc bấy giờ cao to hơn anh Nhuận rất nhiều, thế nhưng chỉ trong vài phút, anh Nhuận đã tung 1 đòn Teken làm anh Bảo Trai rớt ngay một cái răng cửa xuống Tatami. Và anh Nhuận rất hối hận cho nên cũng từ lúc đó cho đến mãi sau này không bao giờ anh Nhuận đấu tự do mà chỉ chuyên luyện Kihon Kumite.
Tôi nhận thấy anh Nhuận kỷ thuật rất chuẩn xác, sức mạnh và rất tốc độ khi ra đòn cả đòn tay lẫn đòn chân, nhưng hơi thở rất tự nhiên, không có vẽ gì gọi là mất sức.
Anh Nguyễn Nhuận là người thiết kế bản mẫu của Chứng thư Huyền đai, trong CTHĐ, phần giữa có hình một người đang bay đá đòn Tobi Yoko Geri. sau đó họa sĩ Côn Sơn (ở đường Mạc Đĩnh Chi Huế, sau này là nghệ nhân làm Diều và thả Diều, còn có tên là Ông Bê) nhận lên lụa và in CTHĐ cho Hệ phái.
Tôi nhìn CTHĐ và tôi có hỏi anh Nhuận : “ Thưa Anh vì sao cái bằng cấp cho người tập võ và hình người đá bay là đang tấn công mà khuôn mặt của người đá bay sao không có hồn” anh Nhuận trả lời tôi rằng : “ Thạnh ạ người được cấp Chứng thư Huyền đai là người phải đạt từ đai Đen trở lên, vậy thì một đai Đen phải tập luyện làm sao mà khi tung một đòn cho dù nó hạ gục đối phương đi nữa thì khuôn mặt cũng phải bình thường không được lộ sát khí, thế mới đạt đến một Huyền đai Karate”
Trước năm 1968 anh Nhuận có xin Thầy Choji Suzuki để mở một lớp ngay tại nhà anh Nhuận (Vỹ dạ) đặt tên cho Võ đường là Minh Đạo, Thầy đồng ý, tại đây anh Nhuận chỉ dạy cho các người con trai. Thời gian dạy không lâu thì sau tết Mậu Thân anh Nhuận không còn dạy nữa, tiếp đó Gia đình anh Nhuận lên ở tại Cư xá đại học (khu tập thể gần cầu Ga huế).
Nói về tính cẩn thận của anh Nhuận, với tôi có 1 câu chuyện sau đây :
Sau tết Mậu thân 1968, có những đợt giáo sư và giãng viên phải đi học Quân sự, mỗi năm 3 tháng, học tại Phú Bài, anh Nhuận cũng trong số giãng viên phải đi học tại Trung Tâm huấn luyện Đống Đa, Phú bài - Lúc bấy giờ tôi đang làm việc tại Trung tâm này. Tôi thấy anh Nhuận đi tập cùng với đồng đội mà tôi rất thương Anh, vì Anh là Sư huynh của tôi, bạn đồng đội của Anh bò, lết....Anh cũng bò lết và phải nhìn nhận rằng anh Nhuận rất xứng đáng là một Karate vì mọi thao tác Anh thực hiện rất nghiêm túc không như những đồng đội khác - Quân phong quân kỹ anh chấp hành nghiêm túc. tôi đã gặp anh Nhuận và tôi nói rằng “ để em xin cho Anh qua làm văn phòng đại đội khỏi tập luyện vì mưa nắng và mệt lắm anh ạ “ anh Nhuận đã trả lời : “ thôi Thạnh ạ,để Anh tập bình thường họ sao thì Anh vậy.” Nghe nói thế tôi rất nể Anh và rất hãnh diện vì mình và Anh là Karate Ka. Tôi thấy mùa lạnh mà Anh chỉ mặc một bộ đồ lính bình thường nên ngay lúc đó tôi đã đưa cho Anh 1 cái áo Firiket của Mỹ còn rất mới, mặc rất ấm và rất hợp cho những người mặc quân phục. Đoạn tiếp này mới là hay : Đến năm 1974, tôi ghé thăm Anh Nhuận tại cư xá. Ngồi nói chuyện về Karate một lúc thì tôi ra về, nhưng điều đặc biệt là hôm ấy thời tiết lạnh nhưng tôi không mặc áo lạnh, thế là anh Nhuận gọi Chị Nhuận :” em ơi vào trong tủ lấy cái áo của Thạnh đã cho Anh mượn mấy năm trước đem ra đây” tôi rất ngạc nhiên vì chiếc áo ngày ấy mà anh Nhuận còn giữ mà lại rất cẩn thận rất sạch sẽ và bỏ trong túi nilon màu trắng có hàn mí và anh Nhuận nói rằng : “anh trả Thạnh, lâu nay Anh cất trong tủ mà cứ quên hoài, nay thấy thời tiết lạnh và gặp Thạnh Anh mới nhớ “
Sư huynh Ngô Đồng
Vừa nhắc đến anh Ngô Đồng là tôi đã hình dung ra ngay, người cao, không ốm, không mập, mặt trái xoan, hai vùng thái dương nhô ra ( cũng xin nói thêm việc hai vùng thái dương nhô ra - Thầy Choji Suzuki thời ấy đã chỉ cho tôi một số điểm để nhận biết những người tập võ có HỎA HẦU cao, tôi có hỏi Thầy hỏa hầu là gì, thầy nói rằng hỏa hầu là nội lực và cũng chỉ về công phu tập luyện của họ, vậy thì Con cứ nhìn vào vùng thái dương hai bên nếu có gồ ra khác với người bình thường thì người ấy có hỏa hầu cao - nghe vậy tôi đã lưu ý đến những vị Sư huynh và tôi thấy (anh Khương Công Thêm vẫn thế mà lại còn gồ nhiều hơn các vị Sư huynh khác) tính tình anh Đồng rất là nhẹ nhàng, điềm tỉnh, cũng ít nói như Anh Nhuận.
Đầu năm 1966 anh Ngô Đồng đã xin phép Thầy Choji Suzuki để mở riêng tại Hội trường của Đại học Sư phạm và lấy tên là Cương Nhu Karatedo, Lúc này anh Đồng vừa mang đai Đen Suzucho. Thầy hỏi vì sao Con xin mở riêng và lại lấy tên là Cương Nhu Karatedo - Anh Đồng trả lời Con mở riêng là để dạy cho Sinh viên và lấy tên Cương nhu là vì Con sẽ phối hợp thêm nhiều môn võ khác với Karate như phối hợp thêm Judo, phối hợp thêm Aikido, phối hợp thêm võ ta... và những từ đòn thế Karate Con sẽ chuyển sang tiếng việt, ví dụ Tấn Shiko Dachi con sẽ gọi là tấn VUÔNG, đòn Teken Tsuki Con sẽ gọi là đòn đấm thẳng, đòn Mae Geri Con sẽ gọi là đá thốc tới trước và đòn Yoko Geri Con sẽ gọi là đòn TỐNG NGANG.....Thầy Choji Suzuki đã đồng ý, thật tình mà nói thì bản thân tôi lúc bấy giờ cũng không hiểu vì sao Thầy lại đồng ý (riêng sau này thì tôi đã biết vì sao Thầy đồng ý)
Một câu chuyên rất hay, tôi cũng xin kể ra đây :
Đầu năm 1967, Thầy Choji Suzuki dẫn lớp tôi là 7 môn sinh, cùng với anh Khương Công Thêm đi qua võ đường của Anh Ngô Đồng nói là qua tập đấu với bên anh Đồng cho vui.
Lúc bấy giờ học trò anh Ngô Đồng có 1 khóa lớn nhất là khóa Sakura, khóa này trước đây Thầy dạy, anh Đồng là phụ tá Thầy, lớp này cùng thời với lớp tôi và lớp tôi là Bodankumi.
Hình như Thầy có báo trước với Anh Đồng về việc này nên khi Thầy trò chúng tôi qua thì anh Đồng và khóa Sakura cũng đã khởi động xong.
Thầy có mang Camera theo nhưng loại Camera này cũng chưa tối tân nên phải cho môn sinh toàn bộ ra đấu ngoài trời máy của Thầy mới quay được.
Trận đấu thứ 1 : Anh Ngô Đồng gặp Anh Khương Công Thêm.
Sau khi chào nhau, anh Đồng nhẹ nhàng lướt đến tiếp cận mục tiêu và đứng thủ với Tư thế : M. Neko Ashi + bộ tay thì biến thế của tate Shuto kamae ( đây là thế thủ mà Vịnh Xuân quyền thường hay thủ, và thật sự anh Đồng trước đây cũng có tập Vịnh Xuân quyền lúc sống tại Hà Nội)
Riêng anh Thêm thì ra vói bộ thủ như sau : M. Shiko Dachi + Moro Jodan Choku Shuto kamae.
Thầy Choji Suzuki thì lo việc quay phim, cả nhóm môn sinh của anh Đồng và 7 môn sinh chúng tôi thì nín thở và chăm chú theo dỏi không có một tiếng xầm xì nào hết.
Anh Đồng trong chớp mắt đã nhập sát vào và dùng lưng bàn tay phải vẫy trúng vào mặt anh Thêm ( đòn Jodan M. Haishu Uchi ) khống chế lực rất tốt chỉ nghe tiếng bốp nhưng không gây chấn thương. Tiếp tục :
Anh Thêm hơi bị quê, anh Thêm đã di chuyển rất nhanh với 8 hường, trong chớp mắt Anh Thêm đã tung một đòn đá nghịch lân của chân phải, lòng bàn chân anh Thêm đánh kêu tiếng bốp vào vùng má bên trái của anh Ngô Đồng, và anh Thêm cũng đã khống chế lực rất tốt nên chỉ dùng lòng bàn chân không dùng gót chân, và chỉ trúng nghe tiếng kêu bốp chân đã rút về.
Đòn đầu tiên Anh Đồng đánh trúng, môn sinh anh Đồng gần 70 người họ đã vổ tay ầm ầm, 7 anh em tôi vẫn còn sững sờ vì cái ra đòn quá nhanh của anh Đồng nên cũng không kịp vỗ tay.
Đòn đá của anh Thêm đá vào mặt, môn sinh của anh Đồng có 50% vỗ tay, riêng 7 anh em tôi cũng chưa kịp vỗ tay vì sự ra đòn quá nhanh và khống chế lực quá tốt của anh Thêm thì Thầy Choji Suzuki hô ngừng trận đấu.
Trận đấu thú 2 : Lê Văn Thạnh Khóa Bodan Kumi
Gặp : Nguyễn Phán Khóa Sakura
Trận này chỉ qua lại mấy kỷ thuật tay và chân, anh Nguyễn Phán báo đau tay xin thôi đấu.
Trận thứ 3 :Tiếp tục tôi đứng lại để đấu với Bùi Đình Đệ Khóa Sakura
Thật tình mà nói nhóm môn sinh 70 người khóa Sakura về đấu pháp ai có điểm gì ưu hay khuyết, 7 người chúng tôi đều biết hết. Với Bùi Đình Đệ, người này đấu không tốt và bộ thủ của người này luôn luôn tập trung vào bộ tay vì bộ chân không nhanh nhạy, mà bộ tay lại thủ rất cứng - hôm ấy anh Đệ đứng tấn Neko + Reou Chudan Teken Kamae. Riêng tôi đang di chuyển 4 hướng mục đích là làm cho đối phương phải chuyển theo để tạo sơ hở tôi sẽ vào, thế nhưng anh Đệ chỉ xoay nhẹ theo hướng di chuyển của tôi, Lúc này Thầy bảo anh Thêm vổ tay báo hiệu vào ngay kẻo phim đã chạy lâu mà chưa thu được gì. Khi Anh Thêm vừa vổ tay báo vào tấn công thì lập tức tôi tung một đòn Jodan Yoko geri vào bộ thủ của anh Đệ làm anh Đệ rơi ngay cánh tay phải xuống và ôm cánh tay, Xương tay trụ của tay phải Anh Đệ đã bị gãy, do tôi chưa khống chế lực được tốt.
Sau trận này Thầy thông báo cho nghĩ không tập đấu nữa.
Anh Bùi Đình Đệ lúc ấy là Sinh viên Y khoa, mấy năm sau tôi gặp lại anh Đệ thì anh Đệ là Trung Úy Quân y Liên đoàn Nhãy dù, chúng tôi gặp nhau vui vẻ kể chuyện xưa ôm nhau cười.
Sau lần đấu này, anh hạ Quốc Huy thường hay dẫn môn sinh 8 Võ tánh qua đấu học trò của anh Đồng ( nhưng những lúc như thế thì Thầy Choji Suzuki không có ở Huế và anh Ngô Đồng lại vắng vì nếu có thì chắc chắn không ai cho tập đấu cọ xát kiếu như thế)
Nhóm 70 sinh viên khóa Sakura bên anh Đồng, chúng tôi ghi nhận lúc ấy có 3 người đấu rất tốt : Một là anh lê Minh Diệu có đòn Mawashi Geri tốc độ và chính xác (sau giải phóng là Trưởng Ban Anh văn Đại học Y , nay đã về hưu) anh Ngộ và anh Phi.
Sau này anh Lê Minh Diệu và anh Nguyễn Đức Thuận qua số 8 Võ tánh tập chung với khóa Bodankumi chúng tôi
Sư huynh Trần Đình Tùng
Sư huynh Trần đình Tùng là sinh viên Y Khoa, nhập môn cùng thời với anh Bảo Trai, vì lúc đó 2 Anh nhà ở cùng đường Trần Hưng Đạo.
Anh Tùng rất có duyên, miệng luôn cười nói và rất thích kể chuyện tếu, có những lúc anh Tùng kể những chuyện tếu có liên quan đến giọng nói tiếng việt lơ lớ của Thầy mà cho đến hôm nay kể lại với anh em vẫn còn cười vui.
Một trong những chuyện vui như sau (chuyện này anh Tùng kể) :
Hôm ấy Tatami Judo bị sút chỉ, Thầy goi anh Tùng :” Tùng có chỉ gai không ? “ nhưng do Thầy nói tiếng việt lơ lớ nên tiếng chỉ biến thành tiếng CHỊ, tiếng GAI biến thành tiếng GÁI . anh Tùng trả lời : “ thưa Thầy Con không có chị gái” Thầy bảo ra phố mua thiếu gì, Anh Tùng ngớ người, nhưng cùng lúc đó thì Thầy có đưa anh Tùng sợi chỉ gai làm mẫu nên anh Tùng mới hiểu là CHỈ GAI để khâu lại Tatami.......
Anh Tùng vì là sinh viên nên còn phải lo học, như chúng tôi là học sinh lại thuộc loại hay trốn học để tập võ, nên võ thì tạm được nhưng văn lại luôn luôn đội sổ trong lớp. Chính vì vậy mà Anh Tùng cũng hay vắng trong những buổi tập.
Gia đình anh Tùng lúc bấy giờ là chủ rạp chiếu bóng tại nhà hát lớn (đường Trần Hưng Đạo) rạp này mới mở. anh Tùng rủ tôi và anh Võ Đại Vạn cùng khóa tôi đến rạp nhà hát lớn để tập với Anh Tùng vì anh Tùng quên Kata. Chúng tôi mừng quá và đề nghị anh Tùng là tập vào lúc 14g30 hàng ngày, vì tập xong là tôi và Anh Vạn ở lại xem phim luôn khỏi tốn tiền mua vé.
*Sư huynh Bảo Trai :
Anh Bảo Trai to và cao ( Trong tấm hình Thầy Tobi Yoko geri + anh Bảo Trai đứng thủ Reou Jodan Shuto Uke)
Tính rất vui nhưng trong tập đấu cũng rất cộc, cũng do tình hinh công việc nên anh Bảo Trai phải ngưng tập sớm hơn những sư huynh vừa rồi.
* Sư huynh Khương Công Thêm
Trong nguyệt san số 6 Bộ II ra ngày 01.8.1970 Tòa soạn 291-293 Phạm Ngũ Lão Saigòn lúc ấy đã có bài viết về Suzucho Karate và tấm ảnh của Thầy Choji Suzuki.
-Tấm hình Thầy Choji Suzuki trong nguyệt san này do người Vợ của anh Vĩnh Tung hồi đó là phóng viên chớp năm 1968 (mậu thân) lúc Thầy Choji Suzuki đi bộ từ Huế vào Đà nẵng, anh Vĩnh Tung lúc đó là Quân Cảnh Tư pháp đã nhờ vợ chớp hình Thầy (bởi vì lúc đó tóc Thầy dài hơn bình thường và mặc chiếc áo rất là có vẽ sương gió, hình này chúng tôi đã đưa lên mạng và đưa lên Video ngày truyền thống Suzucho Ryu)
-Bài viết trong nguyệt san số này thì nói về Suzucho nhiều nhưng đoạn nói về anh Khương công Thêm có đoạn nói rằng : “ Sư huynh Khương Công Thêm với tính nóng nảy làm cho huynh đệ đồng môn phải sợ mỗi khi thấy dáng Sư huynh thay võ phục vào sân tập”
Với bài viết của Phi Hùng không thủ đạo nói về anh Khương Công Thêm trong nguyệt san này, tôi thấy hoàn toàn đúng nhưng tính nóng nãy đây chính là trong tập luyện và đấu, riêng ngoài đời thì anh Thêm rất thẳng thắng và hể nghe có người nào giỏi võ, lập tức anh Thêm tìm mọi cách làm quen để rồi sau đó xin đấu với mục đích để học hỏi thêm chứ không phải mục đích làm sao phải đánh thắng người ấy. các huynh đệ nhìn trên trang Webite của hệ phái sẽ thấy chân dung của anh Thêm, mặc dù nay đã tuổi 70 nhưng rất còn phong độ của một Karate Ka, với miệng vuông, hai thái dương lồi ra, cặp mắt như có thần, nếu chúng ta nhìn lâu có lẽ chúng ta phải lãng nhìn qua hướng khác,và nếu nghe được tiếng nói thì phải biết âm phát ra rất đanh, rất dể làm đối phương mất tinh thần.
Anh Khương Công Thêm là người phụ tá Thầy Choji Suzuki để hướng dẫn khóa Bodankumi chúng tôi. Maki Wara trong phòng tập chính anh Thêm là người làm hư hỏng nhiều nhất vì buổi tập nào anh thêm cũng đấm Teken, Ura và Shuto cả 2 tay vài trăm cái - khóa chúng tôi vào sân tập tất cả 7 người phải mang Cuki ở trong từ trước, vì bất cứ lúc nào, kể cả đang nghĩ giãi lao, anh Thêm vẫn tấn công chúng tôi có khi cả tay chân liên hoàn, chính vậy mà chúng tôi có được phản xạ nhanh và luôn luôn có ý đồ phòng thủ, bây giờ nghĩ lại mới thấy anh Thêm có nhiều đặc biệt, mỗi lần Thầy Choji Suzuki thấy như thế là Thầy cười, thầy thích lắm vì những phương cách tập phản xạ này của Anh Thêm thì chính Thầy cũng chưa nghĩ ra. Mỗi lần anh Thêm ra đòn là phải trúng chính xác nhưng chỉ có điều là khống chế rất tốt chỉ có chạm da phát tiếng kêu chứ không gây chấn thương. Lớp tôi có 7 người nhưng do tôi quá thích nên sau đó và cho đến bây giò tôi cũng còn có lối đánh khống chế như anh Thêm. Cứ mỗi lần tôi đánh vào học trò mình thì tôi lại nhớ đến Anh Khương Công Thêm.
Có nhiều chuyện về anh Thêm nhưng chỉ với chuyện này thôi chúng ta cũng phải thấy anh Thêm là người quá sức cẩn thận, như sau:
Hôm đó ngay ngã 3 Nguyễn Du và Chi Lăng, gần nhà tôi nên tôi đứng chơi ngoài đường, tại ngã 3 này có một thanh niên đi xe đạp đụng xe anh Thêm, người ấy có té xuống, khi đứng dậy người ấy có to tiếng, việc đầu tiên của anh Thêm là cởi đồng hồ bỏ vào túi lúc đó mới nói chuyện với người đụng xe, sau đó tôi ra hỏi anh Thêm : “ thưa anh làm chi mà anh phải cới đồng hồ bỏ vào túi” anh Thêm trả lời rất rỏ ràng và nghiêm túc : “ Anh dặn em phải nhớ, khi nào có những việc tương tự như thế này thì ta phải chuẩn bị ví dụ lở đánh nhau thì ta không bị bể đồng hồ “ tôi chỉ dạ mà không dám cười, nhưng kể lại với Thầy thì Thầy cười vui lắm.
Lại một chuyện về đấu của anh Khương CôngThêm như sau :
Năm 1966, lúc đó thỉnh thoảng Thầy dặn chúng tôi qua tập tại sân khấu của giãng đường C (đại học sư phạm cạnh cầu tràng tiền) - chúng tôi vẫn tập từ 12g đến 14g - Trưa ấy chúng tôi vừa đến sân tập (vì đến sớm nên chỉ có tôi với anh Chế văn Nhẫn) bổng nhiên chúng tôi nhìn lên dãy tầng cấp của hội trường thì thấy một người mặc võ phục, mang đai đen, đầu tóc cắt ngắn, nước da ngâm đen, tuổi lớn hơn chúng tôi, đúng là một người võ thật sư. Anh ta tiến đến phía chúng tôi và tự giới thiệu tên là NAM đai đen Taekwwondo thiếu úy Hải Quân, đến đây muốn xin đấu với Thầy Suzuki - Lúc này anh Nhẫn cùng khóa tôi rất muốn đấu với Ông Nam (tôi xin ghi chú Anh Nhẫn lúc này cũng là Trung sĩ trong Quân đội) tôi nháy với anh Nhẫn là hãy chờ anh Thêm và Thầy đến đã rồi hãy hay. Thế là chỉ 15 phút sau cả Thầy và anh Thêm cùng đến một lúc. Ông Nam đến chào Thầy rất lễ phép và xin đấu với Thầy để biết Karate và cũng xin học hỏi. Thầy đồng ý và mời anh Nam về sân tập số 8 Võ Tánh, Thầy và chúng tôi cùng về. vào đến sân tập ai cũng thay võ phục. Thầy ngồi ở ghế cạnh bàn thờ tổ. Anh Thêm và nhóm chúng tôi đứng một hàng ngang bên trái dưới các tấm mộc bài. Anh Nam Taekwwondo đứng một mình bên phài đối diện với chúng tôi. Thầy Choji Suzuki mở đầu như sau : “ Con là môn sinh Tae Kwwondo Con xin đấu với Thầy để biết karate và học hỏi thêm, Thầy đồng ý nhưng trước hết Con hãy đấu với một học trò Thầy và sau đó Thầy sẽ chỉ dạy thêm cho Con” anh Nam dạ - và thế là anh Thêm và anh Nam đối diện nhau, sau cái gập đầu chào nhau, anh Thêm đã chủ động nhập nội tấn công đòn tay, trời ơi ! hai tay anh Thêm ra đòn quá nhanh, với thời gian rất ngắn anh Thêm đã vừa đánh vừa cuốn theo anh Nam và đã tung ra khoãng 20 đòn tay, ép anh Nam vào góc sân tập, Lúc này anh Nam đở còn không kịp, dính đòn liên tục và cuối cùng anh Nam tự động đưa tay lên xin thua, lần này tôi chứng kiến anh Thêm ra đòn nhưng không khống chế, có nghĩa là anh Thêm đánh thật sự và quyết hạ nhanh anh Nam.
Năm sau trong một lần đi chạp mộ trong dòng họ của tôi, tôi đã gặp anh Nam , thì ra anh Nam là anh ruột của anh Tâm HLV Judo ( bạn bè hay gọi anh Tâm là Tâm đế) và anh Nam và anh Tâm là có bà con với tôi phía bên nhánh 2.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng anh Thêm lấy vợ quê Long An, chị tên là Nan, Gia đình của anh Thêm toàn bộ hoạt động cách mạng, thế nhưng anh Thêm rất nghiêm túc ở điểm không có giấy phép thì anh Thêm không bao giờ chịu dạy Karate. Chính vậy mà tôi đã xin đầy đủ giấy tờ ở Huế cũng như xin giới thiệu ngoài nầy để vào Long An hướng dẫn thủ tục, làm đơn để chính quyền Long An cấp giấy phép cho anh Thêm dạy Karate.
Từ đây anh Thêm đã phát triển Karatedo Long An, lớp học trò đầu của anh Thêm đã phát triển rộng khắp Long An và đặc biệt có môn đồ Trần Ngọc Tống nay mang 6 đ hiện là Trưởng Bộ môn Suzucho các Trường Đại học Trung học chuyên nghiệp các Tỉnh Phía Nam,
Anh Khương Công Thêm hiện nay đang thường trú tại cư xá Bùi Minh Trực Quận 5 TP.HCM do bị thương từ trước giải phóng nên nay đã sớm mất sức lao động, và thỉnh thoảng trí nhớ không còn như trước.
* Sư huynh Nguyễn Xuân Dũng
Anh Nguyễn Xuân Dũng cùng thời với anh Hạ Quốc Huy, hai anh rất thân nhau, hay đi cùng nhau, cả hai đều có xe giống nhau đó là Lambretta 150cc, tính của hai anh lại khác nhau, Anh Xuân Dũng thì trầm lặng, tính ôn hòa, có gì chậm rãi chỉ bảo giãi thích cặn kẽ, đối với bề ngoài không muốn mình nỗi bật. Hình dáng to, cao, trong những lúc tập đấu thường hay đứng với thế tấn Neko Ashi Dachi, có lần anh Xuân Dũng tập đấu cho tôi và anh Chế Văn Nhẫn cùng khóa với tôi, tôi còn nhớ rỏ một trường hợp mà mãi đến bay giờ nhắc lại thì anh Nhẫn vẫn đồng ý là đòn của anh Dũng hay, như sau : Trong lần tập đấu ấy, anh Dũng sau khi tung một đòn đá của chân trái, làm anh Nhẫn phải né tránh lui nữa bộ, anh Dũng hạ nhanh chân xuống để tung tiếp đòn Ushuro Mawashi Geri của chân phải, gặp anh Nhẫn lại có kinh nghiệm trong thi đấu cho nên khi anh Dũng vừa tung chân xoay nghịch thì anh Nhẫn đã nhập nội sát anh Dũng để ra đòn tay. Với chiến thuật này của anh Chế Văn Nhẫn thật là bài bản, nhưng không may cho anh Nhẩn, nghĩa là Chân phải Anh Dũng đang trên đường đi, bị anh Nhẫn nhập chêm vào thì Chân của anh Dũng lấy đó làm điểm tựa, móc ngược gót chân quấn vào vùng eo của anh Nhẫn, và vùng gót trúng ngay vào vùng hông bên trái của anh Nhẫn, làm Anh Nhẫn rớt ngay trên Tatami. anh Dũng lại cười.... Và tiếp theo đây là câu chuyện để thấy rằng anh Nguyễn Xuân Dũng không bao giờ chấp nhận theo Sư đệ và em ruột để đi đánh nhau, Như sau : Năm 1967, tôi học sinh đệ Nhị Trường Thành Nhân (đường Lê Lợi Huế) thời điểm này tôi đang phụ trách huấn luyện một lớp đai Nâu tại võ đường, trong lớp có Nguyễn Xuân Hùng (là em trai của anh Nguyễn Xuân Dũng) Hùng cũng đang học lớp đệ Tam cùng Trường Thành Nhân với tôi, Hùng có chiếc xe Honda 66, Hùng nhỏ con khoãng 50Kg, khuôn mặt lầm lỳ có tính nóng , hôm ấy Hùng xích mích và có đánh nhau với một nhóm ở khu vực Phú Cam ( khu vực này nỗi tiếng về một băng nhóm không phải là xã hội đen nhưng rất đoàn kết trong việc đánh nhau với các băng nhóm khác) Cuối giờ học trưa hôm ấy Hùng nói với tôi : “anh Thạnh đi với em lên cầu Phú Cam chận bọn này đánh, “ tôi rất chán việc đánh nhau như thế này, nhưng trong lúc mình là HLV của Hùng mà Hùng đang có sự việc như thế mà không đi thì không được, thế là tôi và Hùng lên Cầu Phú Cam, đứng bên này cầu, chờ nhóm kia đi học về sẽ chận đánh. Ngay lúc này anh Nguyễn Xuân Dũng đi chiếc Lambretta ngang qua, cả hai chúng tôi phải tránh không cho anh Dũng thấy, không hẹn nhưng chúng tôi phải tránh là vì chúng tôi đi làm việc như thế này là hoàn toàn sai trái không những Thầy biết được thì chúng tôi sẽ bị kỹ luật mà chỉ cần Sư huynh biết được thì chúng tôi cũng sẽ bị phê bình trước Hội Đồng Huyền Đai. Sau đó nhóm kia đi học về vừa đến chân cầu Phú Cam, Hùng nói anh đứng xem để Em ra thanh toán bọn này, thế là Hùng..... cuối cùng nhóm kia chạy qua cầu để gọi cứu viện, Hùng thì chở tôi hạy nhanh về nhà. (Nguyễn Xuân Hùng đã mất năm 1968) Vì công việc, anh Xuân Dũng cũng đã rời Huế vào TP.Hồ Chí Minh, tại đây Anh cũng đã mở võ đường tại tầng 2 hình như nhà số 152 đường Trần Hưng Đạo. Sau này anh sinh sống tại Mỹ, tại đây anh cũng đã thành công trên thương trường và trên con đường Võ đạo. Trên mạng cũng như trên những tài liệu, báo chí trước đây đã nói nhiều về anh Nguyễn Xuân Dũng. Anh Nguyễn Xuân Dũng đã mất tại Mỹ
Admin (Theo Hệ phái Suzuchokaratedo) |