NIỀM VINH DỰ CỦA SUZUCHO KARATE - DO RYU
12.10.2018 23:14
Tại Việt Nam, có lẽ chưa có môn phái võ thuật nào có được Nhà lưu niệm như Suzucho Karate-Do Ryu. Đây là niềm vinh dự lớn, là công đức của các thế hệ, từ Thầy Suzuki Choji (1919 - 1995), người truyền dạy Karate cho các học trò Việt Nam tại Huế năm 1959
NIỀM VINH DỰ CỦA SUZUCHO KARATE - DO RYU Kính tặng Grand Master Lê Văn Thạnh Đệ Cửu đẳng huyền đai Trưởng tràng Suzucho Karate-Do Ryu
Trương Văn Bảo
World Zen Do Ka Karate
Tại Việt Nam, có lẽ chưa có môn phái võ thuật nào có được Nhà lưu niệm như Suzucho Karate-Do Ryu. Đây là niềm vinh dự lớn, là công đức của các thế hệ, từ Thầy Suzuki Choji (1919 - 1995), người truyền dạy Karate cho các học trò Việt Nam tại Huế năm 1959, dù rằng trước và cùng thời điểm với Karate-Do Huế còn có Sài Gòn (Karatedo Yamadakai do cố Võ sư Hồ Cẩm Ngạc sáng lập năm 1951), Đà Lạt (Shorin-Ryu, do giáo sư người Pháp dạy học tại Lyceé Yersin huấn luyện khoảng năm 1957) và một vài tỉnh khác, nhưng phong trào Karate-Do Huế vẫn được ghi nhận là nổi bật từ ngày đầu cho đến tận hôm nay với hệ phái Suzucho Karate-Do.
Sáng 28 tháng 10 năm 2017, Uỷ ban nhân dân thành phố Huế tổ chức lễ khánh thành Nhà lưu niệm Suzucho Karate-Do Ryu Việt Nam tại số 8 Nguyễn Chí Thanh (trước là số 8 Võ Tánh), thành phố Huế. Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế cùng nhiều quan chức cơ quan, chính quyền, vợ chồng Chánh Văn phòng Chưởng môn Suzucho Karate-Do Ryu từ Hoa Kỳ, Ban chấp hành hệ phái, Võ sư các tỉnh thành và phóng viên báo, đài đã đến dự.
Nhà lưu niệm Suzucho Karate-Do được xây dựng trên khu đất với diện tích 168m2, công trình nhà lưu niệm xây dựng hai tầng theo kiến trúc nhà phố mái ngói xưa. Tầng 1 có phòng khánh tiết, phòng tập huấn cho các cao đồ, thi đai đẳng, biểu diễn tinh hoa võ thuật Karate-Do, phòng bảo vệ. Tầng 2 được sử dụng làm phòng thờ và truyền thống, phòng tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa Nhật Bản - Huế. Công trình hoàn thành với sự đầu tư trích từ ngân sách Ủy ban nhân dân thành phố Huế và trang trí, trưng bày hiện vật bên trong Nhà lưu niệm từ hệ phái Suzucho Karate-Do.
Nhà số 8 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế là nơi gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp truyền dạy Karate-Do (Không thủ đạo) của Tổ sư Suzuki Choji (tên Việt Nam là Phan Văn Phúc) tại Việt Nam từ năm 1959 đến 1978. Đây được xem như là võ đường đầu tiên và là cái nôi của Karate-Do Việt Nam. Sau khi gia đình võ sư Suzuki Choji hồi hương về Nhật Bản năm 1978, căn nhà được Ủy ban nhân dân phường Phú Cát, Huế quản lý. Đến năm 2005, đại diện gia đình đã quyết định hiến tặng ngôi nhà này cho Ủy ban nhân dân tỉnh với mục đích làm nhà lưu niệm Karate-Do, phục vụ du lịch và thể thao.
Công đức của Thầy Suzuki Choji là không tự xưng Tổ sư hay Chưởng môn sáng lập hệ phái mà là thành quả của tâm đạo nên các thế hệ những cao đồ kết tập công phu mà hình thành hệ phái Suzucho Karate-Do, gọi theo phiên âm Hán - Việt là Linh Trường Không Thủ Đạo và tôn vinh Thầy Suzuki Choji là Tổ sư, Chưởng môn đời thứ nhất của hệ phái.
Qua thời gian và nhiều thế hệ Trưởng tràng được hội đồng hệ phái trao gửi trách nhiệm như sau:
1. Võ sư Nguyễn Nhuận: Trưởng tràng đời thứ I (1966)
2. Võ sư Khương Công Thêm: Trưởng tràng đời thứ II (1967)
3. Võ sư Nguyễn Xuân Dũng: Trưởng tràng đời thứ III (1969 - 1970)
4. Võ sư Hạ Quốc Huy: Trưởng tràng đời thứ IV (1970)
5. Võ sư Trần Đình Tùng: Trưởng tràng đời thứ V (1971)
6. Võ sư Hoàng Như Bôn: Trưởng tràng đời thứ VI (1972)
7. Võ sư Nguyễn Bá Kiều: Trưởng tràng đời thứ VII (1973)
8. Võ sư Lê Văn Thạnh: Trưởng tràng đời thứ VIII (1973 - 1985)
9. Võ sư Ngô Văn Thanh: Trưởng tràng đời thứ IX (1986 - 1987)
10. Võ sư Lê Văn Thạnh: Trưởng tràng đời thứ X (1987 - 1989)
11. Võ sư Hoàng Như Bôn: Trưởng tràng đời thứ XI (1989 - 1990)
12. Võ sư Khương Công Thêm: Trưởng tràng đời thứ XII (1990 - 1994)
13. Võ sư Nguyễn Văn Dũng: Trưởng tràng đời thứ XIII (1995 - 2006)
14. Võ sư Lê Văn Thạnh: Trưởng tràng đời thứ XIV (2006 - nay)
Hiện nay người tiếp nối truyền thống của Thầy Suzuki Choji, chung thủy với tên gọi Suzucho Karate-Do và võ đường Bodankumi tại Chi Lăng, thành phố Huế là Grand Master Lê Văn Thạnh.
Grand Master Lê Văn Thạnh là người mang đẳng cấp cao nhất, Đệ Cửu đẳng huyền đai và đượng nhiệm Trưởng tràng của hệ phái Suzucho Karate-Do. Ông cũng đạt Đệ ngũ đẳng huyền đai Shotokan-Ryu, ông đóng góp nhiều cho hệ phái, Ông tích cực xây dựng phong trào cho Karate-Do Huế nói riêng và Việt Nam nói chung với những thành tích là trưởng đoàn, huấn luyện trưởng đội tuyển tham gia nhiều giải Karate Quốc tế, được Tổng cục Thể dục Thể thao chứng nhận, Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Lào tặng Bằng khen, Huân chương Lao động. Ủy ban Thể dục Thể thao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thể dục Thể thao và nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp khác. Grand Master Lê Văn Thạnh còn giúp các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á phát triển Karate.
Grand Master Lê Văn Thạnh có các con, cháu tham gia phong trào xây dựng Karate-Do Việt Nam và Huế như:
- Võ sư Lê Văn Phước, công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Trưởng bộ môn Karate Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Võ sư Lê Văn Lộc, công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng bộ môn Karate Thừa Thiên - Huế.
- Võ sư Lê Văn Thọ, công tác tại Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng bộ môn Karate của Trung tâm.
- Cháu ngoại Bùi Phước Thành là Vận động viên Đội tuyển Karate trẻ Quốc gia và Vận động viên Đội tuyển Karate Thừa Thiên - Huế, tham gia các giải đấu Quốc gia và Quốc tế đạt huy chương vàng, huy chương bạc.
- Các cháu nội, ngoại lớp 6, lớp 4 cũng tham gia phong trào tập luyện và tương lai sẽ là những vận động viên đội tuyển của Karate Huế.
Nhà lưu niệm Suzucho Karate-Do Ryu Việt Nam tại só 8 Nguyễn Chí Thanh, Huế sẽ là nơi giữ gìn truyền thống thượng võ, kỷ vật của hệ phái, là nơi để nhiều thế hệ trước quay về sau những tháng ngày bôn ba vất vả với cuộc đời, các thế hệ tiếp nối tập luyện xây dựng xã hội. Về đây sẽ có những phút giây hoàì niệm một khung trời an bình, yêu thương và chung thủy với môn võ đã dạy mình thành nhân và thành công.
TVB từ Huế tháng 9/2018
(Ngày 16/9 đến thăm Nhà lưu niệm Suzucho Karate-Do Ryu Việt Nam)
Nguyễn Phú Minh (Theo Võ sư Trương Văn Bảo) |