BỘ MÔN SUZUCHO KARATE DO CÔN ĐẢO
13.06.2013 20:57
Côn Đảo là một quần đảo ở giữa vùng biển phía Tây Nam của
biển Đông, cách Thành phố Vũng Tàu 97 hải lý. Tổng diện tích hơn 76 km2gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ. Trong đó, lớn nhất là hòn Côn Lôn có diện tích 51,52
km2. Đây là Trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội của huyện Côn Đảo trực thuộc Tỉnh Bà Rịa Vũng
Tàu. Dân số trung bình hơn 7.000 người, Côn Đảo có đặc thù là chính quyền một
cấp, không có phường, xã, thị trấn, chỉ có UBND huyện, 10 khu dân cư và 45 Tổ
nhân dân tự quản.
Côn Đảo có khu di tích lịch sử Cách mạng được nhân dân cả
nước biết đến là nơi lưu giữ những chứng tích tội ác của bạn thực dân đế quốc
và bè lũ tay sai. Đồng thời là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam về sự
đấu tranh kiên cường, bất khuất, hy sinh cao cả của bao lớp người đi trước cho
độc lập - tự do của đất nước hôm nay. Côn Đảo còn là nơi có môi trường thiên
nhiên phong phú, trong lành với nhiều diện tích rừng và biển nguyên sinh; có
thảm thực vật đa dạng, rất nhiều động vật quý hiếm, thắng cảnh thiên nhiên thơ
mộng, bãi tắm sạch đẹp và an toàn. Về môi trường xã hội Côn Đảo được UBND tỉnh
Bà Rịa Vũng Tàu công nhận là Huyện Văn hóa năm 2002. Mọi người dân sống ở Côn
Đảo đều giàu lòng mến khách, chân thật đầy cảm tình luôn quyết tâm phấn đấu xây
dựng Côn Đảo ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Phong trào luyện tập Karaté – Do trên
địa bàn được hình thành và duy trì phát triển từ những năm 1996 khi có Huấn
luyện viên Đỗ Tấn Dũng tốt nghiệp Khoa Võ Thuật Trường Đại Học Thể Dục Thể Thao
II Thành phố Hồ Chí Minh, tình nguyện ra công tác lâu dài tại Côn Đảo. Khởi đầu
tập luyện với hơn 30 võ sinh nhiều thành phần là học sinh, công nhân xây dựng,
chiến sĩ các lực lượng vũ trang…Phòng tập chỉ là một ngôi chùa cũ nằm phía sau
Công an huyện. Lớp đầu tiên duy trì được 02 năm (đến cuối năm 1998) có 10 võ
sinh đạt trình độ đai nâu thời điểm đó. Nhưng do điều kiện đi lại khó khăn
không tổ chức các cuộc thi lên cấp cao hơn tại đảo (Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lúc đó
chưa phát triển môn Karate) và Phòng tập xuống cấp sau những lần mưa bão lớn nên
võ sinh cũng ngại đến tập luyện dần dần phong trào chìm lắng.
Đến năm 2003, khi huyện Côn Đảo khánh thành Trung tâm Văn
hóa Thông tin huyện thì Huấn luyện viên Đỗ Tấn Dũng lại tiếp tục chiêu sinh mở
lớp Karate Do lần thứ hai với hơn 60 võ sinh thường xuyên luyện tập cùng với sự
cộng tác của một số phụ tá hướng dẫn viên từ Nghệ An vào Côn Đảo sinh sống. Và
từ đó đến nay Phong trào karate Côn Đảo đã có tổng cộng 05 Huấn luyện viên,
hướng dẫn viên từ nhất đẳng đến nhị đẳng thuộc hệ phái SUZUCHO KARATE – DO, trong
đó có 02 Huấn luyện viên là giáo viên thể dục tại 02 trường Tiểu học, Trường
cấp 2 & 3 tại Côn Đảo đang thường xuyên huấn luyện cho hơn 40 võ sinh mỗi tuần 03 buổi.
Môn Karatedo đã góp phần nhỏ bé của mình vào phong trào TDTT huyện Côn
Đảo để nâng cao sức khỏe, rèn luyện ý chi và đạo đức cho không ít trẻ em, thanh
thiếu niên trên hòn đảo xa xôi của Tổ quốc Việt Nam. Trong tương lai tập thể
huấn luyện viên, hướng dẫn viên Suzucho Karatedo huyện nhà sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp hơn nữa vào công cuộc xây dựng Côn Đảo ngày càng văn
minh, giàu đẹp.
 Một buổi tập của môn sinh Bộ môn Suzucho Karate
Do Côn Đảo
(Theo Hệ Phái Suzucho Karatedo) |